Cùng chia nước Tấn Ba nhà chia Tấn

Năm 440 TCN, Tấn Ai công chết, con là U công lên nối ngôi. Vua Tấn lúc đó chỉ còn đất Giáng và đất Khúc Ốc, còn lại đất đai đều thuộc về 3 họ Hàn, Triệu, Ngụy mà sử sách quen gọi là Tam Tấn. Trên thực tế 3 họ đã nắm quyền tự quyết, không còn theo mệnh lệnh hay cần tới danh nghĩa của vua Tấn nữa.

Chính vua Tấn phải đến triều kiến 3 họ chứ không phải 3 họ đến triều kiến vua Tấn.

Đất đai của vua Tấn đến thời U công ngày càng bị thu hẹp, mất về tay ba họ Hàn, Triệu, Ngụy. Tấn U công chỉ còn đất Giáng đô và đất Khúc Ốc.

Năm 403 TCN, theo sự thỉnh cầu của 3 họ, Chu Uy Liệt Vương chính thức phong cho 3 thượng khanh họ Hàn, Triệu, Ngụy làm chư hầu ngang hàng với vua Tấn[2].

Ba nhà chia Tấn là sự kiện lịch sử mở đầu của bộ sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang thời Bắc Tống. Tư Mã Quang cho rằng quyết định phong chư hầu của Chu Uy Liệt Vương là sai lầm, tự mình phá hoại kỷ cương và danh phận của một xã hội phong kiến có đẳng cấp; nếu vua Chu từ chối, sẽ có vị bá chủ chư hầu đứng ra thảo phạt 3 nhà Hàn, Triệu, Ngụy[5].

Các sử gia hiện đại cho rằng quan niệm của Tư Mã Quang là viển vông, không thực tế, không nhìn ra được sự thật là lớp quý tộc mới có chiến công và thực lực mạnh mẽ đã đủ khả năng lật đổ một quân vương mục nát (Tấn) là một tất yếu của lịch sử. Cục diện khi đó cho thấy chưa có chư hầu nào đủ khả năng đứng ra "thảo phạt 3 nhà" như Tư Mã Quang mong muốn: nước Tề trong tay quyền thần họ Điền, sắp có ý định làm chuyện cướp ngôi như 3 nhà ở nước Tấn, nước Tần ở phía tây trước biến pháp Thương Ưởng chưa đủ thực lực tiến sang phía đông, nước Sở ở phía nam đã suy yếu từ khi bị Ngô Hạp Lư đánh bại (506 TCN), nước Yên không đủ mạnh, nước Việt sau thời Câu Tiễn cũng đã suy; thực tế cho thấy đầu thời Chiến Quốc, chính Ngụy mới thành lập là nước cường thịnh nhất, vì vậy khả năng một nước "bá chủ" đủ thực lực đứng ra thảo phạt cả ba nhà Hàn, Triệu, Ngụy càng không thực tế. Sự kiện 3 nhà được phong từ thượng khanh lên chư hầu trở thành một sự kiện lịch sử thay đổi rất lớn lao khi đó[5].

Từ đó trên lãnh thổ nước Tấn cũ có 4 nước cùng tồn tại là Tấn, Hàn, Triệu, Ngụy. Thực lực của Tấn Liệt công lúc đó đã rất suy yếu.

Theo Sử ký, Tấn thế gia, năm thứ hai đời Tấn Tĩnh công, tức là năm 376 TCN, vua ba nước Hàn Ai hầu, Triệu Kính hầuNgụy Vũ hầu cùng nhau diệt nước Tấn. Tấn Tĩnh công mất nước.

Năm 359 TCN, Hàn cùng Triệu và Ngụy chia đất Tấn, đưa vua Tấn ra đất Đoan Thị.

Năm 349 TCN, Triệu Túc hầu lên ngôi đã chiếm nốt đất Đoan Thị ăn lộc của vua Tấn, đày Tấn Tĩnh công ra đất Đồn Lưu.

Ba nhà chia nhau làm vua chư hầu trên đất Tấn, từ thời Chiến Quốc vẫn dùng khái niệm "Tam Tấn" để gọi chung 3 nước này.